Ảnh hưởng của thuốc đến ăn uống
Thuốc là những chất hóa học hoặc những hoạt chất được bào chế từ thảo mộc để dùng vào mục đích điều trị và phòng ngừa một số bệnh. Thuốc vào cơ thể sẽ trải qua ba giai đoạn: hòa tan trong bộ máy tiêu hóa, hấp thụ vào máu, chuyển đến các tế bào, tạo ra các tác dụng mong muốn điều trị bệnh. Thuốc được phân phối nhiều nhất vào các cơ quan như tim, gan, thận, não, một phần ít hơn vào bắp cơ, da, tổ chức mỡ. Trong quá trình chuyển hóa của thuốc, có thể tạo ra các tác dụng như sau:
Thuốc làm giảm khẩu vị, làm mất đi sự ngon miệng và có thể đưa tới suy dinh dưỡng, như các loại: sulfasalazine trị bệnh thấp khớp; colchicine chữa gut; chlorpropamide chữa tiểu đường; thuốc lợi tiểu furosemide, hydrochlorothiazide; thuốc trị suy tim digitalis; thuốc an thần temazepam; đặc biệt là các hóa chất trị ung thư làm cho người bệnh buồn nôn, giảm vị giác, thấy thức ăn không còn hấp dẫn.
Thuốc làm giảm hoặc thay đổi vị giác thì rất nhiều: thuốc an thần meprobamate; thuốc ngủ dalmane; thuốc chống trầm cảm lithium; thuốc kháng nấm griseofulvin...
Thuốc làm tăng sự thèm ăn: periactin, marijuana giúp ăn ngon hơn và tăng cân.
Ngược lại, thuốc làm giảm sự thèm ăn: cocaine, amphetamine.
Uống quá nhiều rượu đưa tới suy dinh dưỡng, thiếu các vitamin B6, B1 và folic acid...
Ảnh hưởng của thuốc đến sự hấp thụ thức ăn
Hầu hết sự hấp thụ thuốc và thức ăn đều diễn ra ở ruột non. Do đó, một số thuốc có thể làm giảm khả năng hấp thụ thức ăn của niêm mạc ruột và dạ dày, giảm thời gian thức ăn ở lại trong ruột. Chẳng hạn dầu khoáng dùng làm thuốc nhuận tràng, sau khi uống, thuốc làm lòng ruột trơn nhờn. Các vitamin tan trong chất béo như A, D, E, K sẽ hòa vào dầu thuốc, thoát ra khỏi ruột mà không được hấp thụ. Một số thuốc làm giảm tác dụng của một vài men tiêu hóa, làm giảm hấp thụ thức ăn: như các thuốc hạ cholesterol, thuốc kháng sinh neomycin giảm tác dụng của mật, gây khó khăn cho sự tiêu hóa thức ăn có chất béo. Thuốc cimetidine giảm acid dạ dày, làm giảm hấp thụ vitamin B12 do ức chế vitamin này tách rời khỏi thức ăn. Thuốc aspirin và các dược phẩm có tính acid làm tổn thương niêm mạc dạ dày dẫn đến giảm hấp thụ thức ăn...
Ảnh hưởng của thuốc tới sự chuyển hóa và bài tiết
Chất dinh dưỡng trong thức ăn được hấp thụ, chuyển hóa thành năng lượng và các phần tử căn bản để cấu tạo tế bào. Sự chuyển hóa các chất xảy ra nhờ các enzym xúc tác. Một số thuốc ức chế sự tổng hợp enzym bằng cách lấy đi vài vi chất cần thiết cho việc tạo ra enzym đó. Ví dụ, thuốc methrotrexate điều trị ung thư máu, viêm khớp; thuốc pyrimethamine chữa sốt rét, hai loại thuốc này lấy đi acid folic trong ADN của enzym làm cho men tiêu hóa mất tác dụng và bị tiêu hủy.
Thuốc và thức ăn có thể kết hợp, tạo ra một hợp chất mà cơ thể không sử dụng được như: uống INH để điều trị và phòng bệnh lao, INH sẽ kết hợp với vitamin B6 có trong thức ăn tạo thành một hợp chất mà cơ thể không sử dụng được B6 nữa. Vì thế, khi dùng thuốc INH cần phải uống bổ sung vitamin B6.
Thuốc làm cho sự chuyển hóa chất dinh dưỡng mất đi một số chất cần thiết cho cơ thể như: thuốc lợi tiểu làm tăng đào thải canxi, kali, kẽm theo nước tiểu, làm cho cơ thể bị thiếu những chất này.
Lời khuyên của bác sĩ
Tránh được các tác dụng tương tác có hại thì việc ăn uống và sử dụng thuốc men mới có thể an toàn và đạt được những hiệu quả tốt. Để tránh hậu quả tương tác xấu giữa thuốc và thức ăn, người bệnh cần thông hiểu các ưu và nhược điểm của thuốc. Khi đã bị ăn mất ngon, miệng khô đắng, bạn hãy hỏi bác sĩ xem thuốc mà bạn đang dùng có gây ra khó khăn trong ăn uống hay không.
Trên thực tế có rất nhiều loại thuốc cả Đông và Tây y, có tính chất lý hóa phức tạp, có tương tác cũng rất đa dạng với thức ăn. Vì vậy, mọi người không nên tự ý dùng thuốc mà chỉ dùng theo chỉ định của bác sĩ và lời dặn kiêng kỵ thức ăn khi dùng từng loại thuốc cụ thể.
Theo ThS. Bùi Quỳnh Nga
Sức khoẻ & Đời sống