Cần cảnh giác với những triệu chứng nào?
Hãy liên hệ ngay với bác sĩ nếu các triệu chứng cảm lạnh thông thường kèm theo những yếu tố sau:
Trẻ dưới 3 tháng: Trẻ đã từng được chẩn đoán bị hen suyễn hoặc bệnh đường hô hấp phản ứng. Sốt trên 38oC đối với trẻ dưới 3 táng tuổi; trên 38,3oC đối với trẻ 3-6 tháng; hoặc trên 38,9oC đối với trẻ trên 6 tháng tuổi.
Ho ban ngày hoặc các triệu chứng cảm lạnh kéo dài quá 10 ngày.
Các triệu chứng cảm lạnh quay trở lại một hoặc hai ngày sau khi có vẻ đã hết.
Trẻ kéo tai và kêu đau tai.
Môi hoặc mặt xanh tái do khó thở.
Gọi cấp cứu hoặc đưa trẻ đến phòng cấp cứu nếu có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
Thờ khò khè (có tiếng rít khi thở ra).
Các dấu hiệu khó thở: lỗ mũi nở rộng mỗi lần thở; thở nhanh; da trên hoặc dưới các xương sườn co lõm vào mỗi lần thở; da, môi hoặc móng tay có màu xanh tím.
Đau đầu nhiều dưới hoặc quanh mắt hoặc sau gáy; sưng hoặc đỏ quanh mắt.
Nôn dai dẳng hoặc các dấu hiệu mất nước: miệng khô hoặc dính; ít hoặc không có nước mắt; khát, nước tiểu sẫm màu hoặc ít hơn bình thường.
Vi rút hợp bào hô hấp (RSV)
RSV là một vi rút phổ biến của đường hô hấp. Đến khi trẻ được 2 hoặc 3 tuổi, hầu hết đã bị nhiễm RSV ít nhất một lần, với rất ítvấn đề. Tuy nhiên, đối với một số trẻ, vi rút có thể đe dọa tính mạng - và nhiễm trùng này khiến nhiều trẻ phải nhập viện hơn bất kì bệnh nào khác.
Các nhóm có nguy cơ cao gồm :
• Trẻ dưới một tuổi đẻ non.
• Trẻ dưới 6 tháng.
• Trẻ bị hen hoặc bệnh đường hô hấp phản ứng.
• Bệnh nhân ở bất kỳ độ tuổi nào đang có bệnh ở phổi, tim hoặc hệ miễn dịch, bao gồm bệnh nhân ung thư và ghép tạng.
RSV có xu hướng xảy ra và lây lan trong mùa đông và đầu mùa xuân. Bệnh thường bắt đầu như một nhiễm trùng đường hô hấp trên, với các triệu chứng cảm lạnh quen thuộc. Điều khiến bệnh trở nên nên nguy hiểm là khả năng nó có thể nhanh chóng lan từ mũi và họng xuống đường hô hấp dưới, dẫn đến viêm phổi và viêm tiểu phế quản.
Viêm là quá trình tự nhiên của cơ thể để chống lại bệnh, nhưng ở đường hô hấp còn nhỏ của trẻ hoặc đường hô hấp đang bị viêm do hen, nó có thể làm tăng tắc nghẽn đường thở và khó thở.
Một mối nguy hiểm khác của RSV là nhiễm RSV nặng ở trẻ nhỏ làm tăng nguy cơ trẻ bị hen sau này. Chưa rõ chính xác tại sao điều này lại xảy ra. Song nó có thể là phản ứng nhân - quả, trong đó nhiễm RSV gây tổn thương phổi, dẫn đến hen; hoặc có thể chỉ là mối liên quan, khi mà các yếu tố khiến trẻ có nguy cơ bị hen cũng khiến trẻ có nguy cơ bị nhiễm RSV nặng hơn. RSV và các vi rút khác cũng có liên quan với tăng nguy cơ mẫn cảm với các dị nguyên và phát triển bệnh dị ứng.
RSV cũng hay gặp ở người lớn, đặc biệt là những người có hệ miễn dịch suy yếu như người bị hen hoặc COPD, bệnh nhân ung thư, những người bị suy giảm miễn dịch hoặc bị bệnh tự miễn dịch và những người tiếp xúc gần gũi với nhiều người, như người già sống trong các cơ sở chăm sóc.
Phòng ngừa RSV
Vi rút rất dễ lây có thể sống trên các bề mặt cứng như tay nắm cửa và mặt bàn trong nhiều ngày và lây lan nhanh chóng thông qua tiếp xúc của người, thường trước khi người nhiễm biểu hiện bất kỳ dấu hiệu rõ ràng nào của bệnh. Để giúp ngăn chặn, hãy:
Rửa tay thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn hoặc trước khi đụng chạm vào trẻ. Rửa sạch và khử trùng đồ chơi, mặt bàn, tay nắm cửa và các bề mặt dùng chung khác. Tránh dùng chung ly cốc, dụng cụ ăn uống hoặc thực phẩm . Tránh những người có triệu chứng cảm lạnh rõ ràng. Tránh khói thuốc lá, có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng và mức độ nặng của triệu chứng . Đừng để người khác đụng chạm vào em bé khi chưa rửa tay.
Phát hiện các triệu chứng RSV
Cha mẹ và người chăm sóc trẻ bị hen, trẻ đẻ non và trẻ dưới 1 tuổi - cũng như người già - cần phải đặc biệt cẩn thận trong mùa RSV, học cách nhận biết các dấu hiệu cảnh báo và đưa người bệnh đi khám và điều trị càng sớm càng tốt nếu có bất kỳ triệu chứng RSV nào sau đây: Sốt cao (hoặc sốt nhẹ nếu miễn dịch suy giảm); Thở nhanh hoặc các dấu hiệu khác của khó thở; Thở khò khè; Ho nhiều, tiếng ho như chó sủa; Da, môi và móng tay chuyển màu xanh tím.
Điều trị RSV
Không có thuốc đặc trị RSV. Thay vào đó bác sĩ tập trung vào điều trị để làm giảm sung huyết và thông đường thở để bệnh nhân có thể thở được. Trường hợp nặng cần nhập viện, truyền dịch tĩnh mạch, thuốc khí dung và thở ôxy.
Một số bệnh nhân sẽ bị hậu quả viêm phổi thứ phát, cần phải được điều trị tích cực bằng kháng sinh. Một số trẻ nguy cơ cao có thể hội đủ điều kiện để được dùng thuốc dự phòng là palivizumab, tiêm mỗi tháng một làn trong mùa RSV. Palivizumab không phải là vắc xin. Tương tự, một số bệnh nhân ghép tạng bị bệnh nặng có thể được lợi nếu dùng thêm thuốc kháng virus - nhưng điều trị cơ bản vẫn là chăm sóc hỗ trợ.
Cẩm Tú
Theo MSN