9 ngày căng thẳng!

Ngày đăng 05/02/2016 06:09

Các bác sĩ khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) nỗ lực bóp bóng cấp cứu một trường hợp suy hô hấp. Ảnh: H.Hải

Chiều 27 Tết, vừa bước chân vào khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) chúng tôi chứng kiến 4 bác sĩ đang nỗ lực bóp bóng, cấp cứu cho bệnh nhân đột quỵ bị suy hô hấp. Sau 30 phút nỗ lực luôn phiên bóp bóng, cấp cứu, bệnh nhân mới qua được nguy kịch và được đặt nội khí quản thở máy. Ngay sảnh khoa, xuân đã về với đào, quất. Phố phường cũng tấp nập người du xuân, sắm Tết. Các bệnh nhân nằm tại khoa cũng đã nhận quà của Ban giám đốc BV trong ngày 27 Tết. Các bác sĩ vẫn miệt mài công việc như những ngày thường, chỉ khác là ở thời điểm Tết và cường độ công việc nhiều hơn bội phần.

Bác sĩ làm việc miệt mài. Ngoài phố xá, với mỗi gia đình Tết đã đến rất gần. Ảnh: H.Hải
Bác sĩ làm việc miệt mài. Ngoài phố xá, với mỗi gia đình Tết đã đến rất gần. Ảnh: H.Hải

TS Đạt Anh chia sẻ, năm nào cũng vậy, anh em cấp cứu làm mệt thở không ra hơi. Bởi lượng bệnh nhân được đưa đến khám những ngày Tết, trung bình 200 – 230 bệnh nhân, trong đó số nhập viện cũng ở con số 120 – 130 bệnh nhân. Cá biệt có năm, đến 400 bệnh nhân một ngày, anh em làm việc không thở được, bệnh nhân cũng... không thở được vì nặng nhẹ, cấp tính, mãn tính đều có hết. Cứ có bệnh không kể cấp cứu hay không người ta lập tức đưa bệnh nhân đến khoa cấp cứu, khiến đôi lúc bệnh nhân cấp cứu cũng không được ưu tiên vì không kịp xử lý hết tất cả các tình huống.

Nguyên nhân là do đặc thù ngày Tết, các bệnh viện tuyến dưới cứ gặp bệnh nhân nặng là chuyển lên do số lượng bác sĩ trực của họ cũng giảm, rồi bác sĩ sợ nhất ngày Tết, cấp cứu mà bệnh nhân không qua được. Vì thế, số lượng bệnh nhân ùn về khoa Cấp cứu tuyến cuối năm nào cũng đông.

PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc BV Bạch Mai chia sẻ, khoa Cấp cứu luôn là nơi trọng điểm ở bất cứ bệnh viện nào, nhất là trong những dịp Tết này. Có những năm, khoa Cấp cứu BV Bạch Mai tưởng như “vỡ trận” với kỉ lục 400 bệnh nhân được chuyển đến một ngày.

Vì thế, 2 năm trở lại đây BV Bạch Mai đã duy trì hoạt động khoa Khám bệnh, hoạt động tái khám tại mỗi khoa trong ngày Tết, nhờ vậy mà giảm tải được khoa cấp cứu rất nhiều. Tuy nhiên các bác sĩ khoa Cấp cứu vẫn phải đổ công đổ sức rất nhiều trong những ngày này để giành giật mạng sống cho người bệnh.

Trước đó, trưa 27 Tết tại khoa Cấp cứu (BV Việt Đức) vẫn luôn có bệnh nhân cấp cứu được chuyển đến do tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt do điện giật...

Miệt mài cấp cứu, tiếp nhận người bệnh. Ảnh: H.Hải

Miệt mài cấp cứu, tiếp nhận người bệnh. Ảnh: H.Hải

Điều dưỡng trưởng khoa Khám bệnh Phí Thị Mai Chi cho biết, như mọi năm, trung bình ngày Tết tiếp nhận từ 120 – 140 ca bệnh mỗi ngày. Đặc biệt ngày mùng 2 Tết số bệnh nhân đông nhất. Con số bệnh nhân tương tự ngày thường, nhưng ngặt nỗi, số bệnh nhân nặng lại tăng lên nên Tết đến, không những không được nghỉ mà khoa Cấp cứu còn được tăng cường 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng/một ca trực mới đảm nhiệm được việc điều trị, cấp cứu bệnh nhân.

Phó Giám đốc BV Việt Đức Trần Bình Giang cho biết, vào dịp Tết, số bệnh nhân nhập viện vì tai nạn giao thông, do lạm dụng rượu bia sẽ tăng 15%-20%. Việc tăng cường thêm nhiều bác sĩ cấp cứu tại các khoa, phòng dịp Tết luôn được BV chú trọng. Với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, BV đã lên kế hoạch điều động lực lượng bác sĩ, điều dưỡng ứng trực 24/24h để bảo đảm cấp cứu kịp thời cho bệnh nhân. Ngoài ra, BV cũng có phương án dự phòng nguồn nhân lực tăng cường khi có tình huống phát sinh.

Khoa Cấp cứu (BV Nhiệt đới Trung ương) cũng vậy, thấy các điều dưỡng đang trải ga, chuẩn bị những giường bệnh mới tinh tươm dù không có bệnh nhân, cứ ngỡ là lượng bệnh nhân ít, các bác sĩ sẽ có một cái Tết đỡ vất vả. Nhưng không phải vậy, “dọn dẹp giường bệnh tinh tươm, sẵn sàng để chuẩn bị đón BN dịp Tết, không năm nào là trống giường bệnh. Số lượng bệnh nhân trong khoa giờ chỉ còn 180, nhưng mấy ngày Tết, từ các tuyến đổ lên, 300 giường bệnh cũng kín”, BS Nguyễn Trung Cấp cho biết.

Khi nhận quà chúc Tết từ Giám đốc Nguyễn Quốc Anh, TS Đạt Anh chia sẻ: “Với anh em cấp cứu, 9 ngày người dân nghỉ Tết là 9 ngày anh em căng thẳng để cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, chỉ khi hết 9 ngày Tết, đi làm thấy anh em đến khoa “cười được” tôi mới yên tâm là anh em đã hoàn thành nhiệm vụ. Vì thế, trong ngày tân xuân, nếu anh em Cấp cứu không tham dự đầy đủ để nhận lời chúc Tết, mừng tuổi của Ban giám đốc, cũng xin thông cảm bởi chắc chắn là nhiều anh em... ngủ sau những đêm thức trắng vì Tết”.

Hồng Hải