Thể dục, dưỡng sinh vô cùng cần thiết
Thể dục, dưỡng sinh, giúp bảo vệ sức khỏe cho người bình thường và cũng là cách phối hợp rất hiệu quả để điều trị các bệnh mãn tính, nhất là với người cao tuổi.
Việc tích cực hoạt động thể lực sẽ giúp cơ thể năm điều : (1) tiêu hao năng lượng và giảm cân, (2) giúp cơ thể tiêu thụ đường dễ dàng hơn, (3) nâng cao sức khỏe toàn thân, (4) cải thiện tinh thần, hoạt bát, sảng khoái và (5) tăng sức đề kháng, chống đỡ bệnh tật.
Nguyên tắc cơ bản của tập thể dục là dần dần và nề nếp, “năng chuyến hơn đầy đò”, không ráng tập quá sức hoặc khi đang có bệnh, cũng không quá mất thời gian mà cần duy trì ổn định có thời khóa biểu hợp lý cho công việc và tuổi tác.
Tập thể dục đúng cách như thế nào
* Tập lúc nào?
Để dễ nhất quán, nếu không có gì vướng bận, buổi sáng có thể là thời gian tốt nhất để tập thể dục. Theo TS Cedric Bryant, Giám đốc Hội đồng Tập thể dục Hoa Kỳ ở San Diego "Để có thói quen tập thể dục phù hợp, nên tập buổi sáng tốt hơn".
Theo Javier Gonzalez và cộng sự, trong nghiên cứu đăng trên British Journal of Nutrition, cho thấy những người tập thể dục trước bữa sáng sẽ “đốt cháy” lượng mỡ nhiều hơn 20% so với người có ăn sáng trước. Do đó, ông đề xuất người thừa cân béo phì nên tập thể dục buổi sáng.
Nhưng theo nghiên cứu của TT lâm sàng ĐH Chicago, trên 40 người đàn ông khỏe mạnh trong độ tuổi từ 20 và 30 được chia thành năm nhóm. Bốn đội thực hiện mạnh mẽ cho một giờ trên một máy bước vào buổi sáng, buổi chiều, buổi tối hoặc ban đêm, nhóm thứ năm không tập luyện gì cả. Tiến sĩ Orfeu Buxton, trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: "Sự trao đổi chất thích nghi tốt với tập thể dục thường xuyên và cho thấy nó có thể tốt hơn để đào tạo sau giờ làm việc chứ không phải là điều đầu tiên vào buổi sáng."
Nhà nghiên cứu Roland Brandstaetter cho rằng “nên lắng nghe đồng hồ sinh học thay vì đồng hồ báo thức” và giải thích: "Đồng hồ sinh học của cơ thể có ảnh hưởng lớn, vì mọi tế bào trong cơ thể đều sở hữu đồng hồ. Có nhiều đồng hồ trong bộ não và các cơ quan nội tạng như trái tim, gan, ... và các chức năng sinh lý của bạn chịu sự kiểm soát của các đồng hồ này”.
Tóm lại, thời gian tập luyện tốt nhất là theo sắp xếp, nhu cầu, thói quen, sở thích cá nhân.
* Tập bao lâu?
Nhiều nghiên cứu cho thấy thời lượng trung bình cho tập thể dục dưỡng sinh vào xê dich khoảng một giờ đồng hồ.
* Tập ở nơi nào?
Tùy theo điều kiện kinh tế, xã hội, cá nhân, có thể chọn ra bãi biển, công viên, khoảng đất trống, đến nhà tập, sân vân động …hay ngay trong nhà. Điều kiện tiên quyết là nơi tập phải rộng rãi và thoáng đãng.
Ở nước ta, thiết nghĩ bãi biển là nơi lý tưởng nhất để tập thể dục dưỡng sinh hằng ngày. Một vị trí thích hợp không kém là công viên, sân vận động.
Những điều y học lưu ý:
Cơ thể con người khi muốn chuyển đổi từ chế độ vận động cần có một “khoảng khởi động” để cơ thể thích nghi trước. Đang ngủ vùi trong chăn ấm đột ngột vùng dậy nhảy ra ngoài ngay có thể gây tai biến, đặt biệt với người già. Cần khởi động duỗi tay, duỗi chân, xoa bóp thái dương một lát, ngồi định thần vài phút rồi mới đứng hẳn ra ngoài.
Theo nhịp sinh học, đồng hồ sinh học, của con người thì buổi sáng là lúc nhiệt độ cơ thể bắt đầu cao, huyết áp tăng lên, các hóc-môn tuyến thượng thận tăng tiết gấp nhiều lần…. thức dậy quá sớm lại vội vàng vận động mạnh ngay rất dễ xảy ra tai biến về tim mạch, đặc biệt là tai biến mạch máu não.
Cây xanh trong công viên quang hợp ban ngày và hô hấp ban tối. Ban đêm, cây hô hấp thu dưỡng khí và thải thán khí. Do đó, tập thể dục trong công viên, dưới các tán cây cổ thụ, nhất thiết phải đợi khi mặt trời lên, khi cây cối đã bắt đầu chu trình quang hợp. Ngày trước trong sách Hoàng đế nội kinh có chỉ rõ điều này "không có ánh mặt trời thì chưa tập luyện".
Theo PGS. TS Nguyễn Hữu Chiến, Trưởng Bộ môn Quản lý Môi trường và Tự nhiên ĐH Cần Thơ, ban ngày có mặt trời nhiệt độ không khí cao nên khói thải cuốn lên bay lơ lửng trong không khí và tản dần và ban đêm khói bụi khí độc cứ luẩn quẩn ở mặt đất. Vì thế, các nhà khoa học khuyên dân cư các thành phố công nghiệp nên tập thể dục vào buổi chiều tối.
Thay lời kết
Thể dục, dưỡng sinh giúp bảo vệ sức khỏe cho người. Trong các bệnh lý, đặc biệt bệnh nội tiết chuyển hóa ở người cao tuổi, vận động là chân quan trọng thứ hai trong bộ kiềng ba chân: “ăn uống, vận động, thuốc men”.
Chế độ thể dục cần phải có lịch thường quy, được cá nhân hóa, mỗi người một kiểu, phù hợp với tuổi tác, nơi sinh sống, công việc đang làm…
Trong cuốn sách “Bắp thịt trước đã”, Lực sĩ Phạm Văn Tươi nhắc nhở mọi người rằng “Không ai chết vì thể dục, mà toàn chết vì lười”.
TS.BS Trần Bá Thoại
Ủy viên BCH Hội Nội tiết Việt Nam