Ngày 14/2, BS Nguyễn Anh Tuấn, Trung tâm chống độc cho biết, từ ngày 27 Tết đến nay, số ca ngộ độc rượu nhập viện là 7 ca, trong đó một trường hợp ngộ độc nặng, tiên lượng điều trị khó gia đình xin về hôm mùng 3 Tết. Các ca còn lại nhập viện trong tình trạng bệnh nhân kích thích, hôn mê, vật vã do uống quá nhiều rượu. Sau vài ngày điều trị, các bệnh nhân đã ổn định và xuất viện.
Số bệnh nhân ngộ độc thực phẩm cũng không nhiều, khoảng 7 ca nhập viện trong tình trạng nôn, tiêu chảy và đều đã điều trị ổn định, xuất viện.
Tuy nhiên, BS Tuấn cảnh báo nguy cơ ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm sẽ tăng cao sau Tết. Nguyên nhân là sau Tết đi làm trở lại sẽ có nhiều cuộc nhậu nhẹt gặp mặt đầu xuân, mừng tân xuân.
Các bác sĩ lo ngại tình trạng ngộ độc rượu, ngộ độc thực phẩm sẽ gia tăng vào dịp sau Tết. Trong ảnh, bệnh nhân điều trị tại BV Bạch Mai dịp Tết. Ảnh: H.Hải
Còn về ngộ độc thực phẩm, nguy cơ rất cao do người dân cố ăn nốt những thực phẩm tích trữ từ trong Tết, từ thịt cá, giò chả... Sau Tết năm nào thực tế này cũng xảy ra do người dân Việt vẫn có thói quen tích trữ nhiều đồ thực phẩm để ăn Tết. Việc để lẫn thức ăn sống – chín trong tủ lạnh đã có nguy cơ nhiễm khuẩn, thực phẩm lại bảo quản lâu ngày càng có nguy cơ nhiễm khuẩn gây ngộ độc thực phẩm cao hơn.
Vì thế, BS Tuấn khuyến cáo để phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, người dân cần mạnh dạn loại bỏ các thực phẩm nghi ngờ ôi thiu, nhất là những thực phẩm đã chế biến sẵn như giò chả, thịt đông, những đồ chứa nhiều gia vị, đồ ăn nấu đi nấu lại nhiều lần; đồ đông lạnh không được bảo quản đúng cách khi giã đông có mùi khó chịu...
Khi để thức ăn trong tủ lạnh cũng cần để riêng, bọc kỹ thức ăn sống, chín. Khi lấy thức ăn trong tủ lạnh, nhiều người có thói quen chỉ hâm nóng lại, là nguyên nhân khiến nhiều người bị ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa từ thức ăn lưu trữ trong tủ lạnh. Bởi việc hâm nóng thức khó đảm bảo đủ nhiệt độ tiêu diệt vi trùng nếu không sử dụng nhiệt độ phù hợp với từng loại thức ăn. Khi thức ăn mới chỉ được hâm nóng, chưa đạt đến nhiệt độ sôi vài phút thì không thể diệt chết được vi khuẩn. Vì vậy, đồ ăn chín trong tủ lạnh khi lấy ra cần phải nấu lại thật sôi để diệt hết vi khuẩn. Các thực phẩm không thể nấu sôi như giờ mỡ, thịt đông cần phải bảo quản kỹ càng bằng hộp kín, tránh vi khuẩn xâm nhập.
Tương tự với rượu, dù các cuộc gặp tân xuân vui vẻ đến mấy mọi người cũng nên có ý thức uống vừa phải. Vì dù rượu xịn, thậm chí cả rượu tây nếu uống quá ngưỡng cũng có những nguy cơ trực tiếp cho sức khỏe. Vì khi uống quá nhiều rượu, say rượu sẽ gây ức chế hô hấp (thở yếu, thở chậm, ngừng thở, thở khò khè, ứ đọng đờm rãi), ho hoặc khạc yếu, giảm thân nhiệt (da lạnh), đái ỉa ra quần, tụt huyết áp, hôn mê, nếu không được điều trị kịp thời sẽ tử vong.
Vì thế, để phòng ngộ độc rượu, hãy uống vừa phải. Với người Việt Nam, để phù hợp với kích cỡ cơ thể và dễ ước tính, với nam giới không nên quá 20 gam/ngày, với nữ giới không nên quá 10 gam/ngày, tương đương nữ không quá 250ml loại bia 5%, 30ml loại rượu 39.9%; nam không quá 500ml loại bia 5%, 60ml loại rượu 39.9%. Khi uống nên uống từ từ, không uống dồn dập vì tác hại của bia rượu cũng gây ra mạnh hơn khi uống quá nhanh.
Hồng Hải