Cúm tràn bệnh viện
Những ngày đầu xuân, Bệnh viện Nhi T.Ư tiếp nhận nhiều ca trẻ bị mắc bệnh cúm. Bác sĩ Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi T.Ư) cho biết, như mọi năm, cứ vào mùa đông xuân là các ca trẻ nhập viện, đến khám vì cúm lại tăng vọt. Có tuần trẻ phải nhập viện vì cúm nặng kèm theo các biến chứng như viêm đường hô hấp, viêm phổi lên đến hơn 20 ca.
Đa số trẻ đều có triệu chứng ban đầu là sốt, ho, khò khè, sổ mũi. Chị Nguyễn Thị Ngọc Minh (Ba Đình, Hà Nội) có con gái 20 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, sốt cao, thở khò khè. Chị Minh cho biết, lúc đầu chị bị cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi, sau đó lây sang con gái. Chị chỉ súc miệng nước muối vài hôm là khỏi nên cũng tưởng con gái cũng sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, sau 3 ngày, con chị sốt cao, thở khò khè, bỏ ăn nên chị cho cháu đi khám. Chẩn đoán cho thấy cháu bị cúm kèm theo viêm phổi.
Tương tự, anh Đức Anh (TP. Bắc Ninh) phải đưa con trai 3 tuổi lên nhập viện ngay mùng 5 tết vì các triệu chứng ho sốt kéo dài, khó thở. Trước đó, cả nhà anh đi chơi tết, gặp trời lạnh nên hai con đều sổ mũi, hắt hơi. Nhưng sau đó, con trai anh sốt cao, co giật kèm theo khó thở nên anh vội đưa cháu đi viện.
Tại khoa Hô hấp (Bệnh viện Nhi T.Ư), trẻ em nhập viện do viêm phế quản phổi, viêm tiểu phế quản, sốt vi rútngay từ mùng 4-5 tết cũng bắt đầu tăng. Nhiều trẻ viêm phổi bắt đầu từ các ca cảm cúm mà bố mẹ lại chủ quan. Theo bác sĩ Lê Hồng Hạnh - Phó Trưởng khoa Hô hấp, ngày tết, trẻ em thường đi chơi xa, gặp lạnh nên dễ bị mắc các bệnh viêm đường hô hấp hơn. Nếu bị cảm cúm thì sức đề kháng càng giảm, tạo điều kiện cho cácvi rút viêm phổi thâm nhập.
“Cảm cúm thông thường là tình trạng nhiễm virus ở đường hô hấp trên khi thời tiết thay đổi, khiến bệnh nhân thường sổ mũi, hắt hơi, sốt nhẹ hoặc ho nhẹ. Hầu hết bệnh nhân tự khỏi sau vài ngày hoặc 1 tuần mà không cần phải dùng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên, do ốm mệt, trẻ biếng ăn sẽ dẫn đến sức đề kháng bị giảm sút. Nếu bố mẹ không biết cách chăm sóc trẻ có thể nặng hơn và gặp các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm phế quản, viêm tai giữa.
Theo Cục Y tế dự phòng: Kết quả đánh giá tại các điểm giát sát cúm quốc gia trong tháng 12.2015 cho thấy tỉ lệ nhiễm cúm A chiếm 11%, cúm A/H1N1 chiếm gần 13% và cúm A/H2N3 là 76%. Với chủng virus cúm A/H1N1 kết quả phân tích gen cho thấy chưa có sự biến đổi gen của chủng vi rút cúm H1N1 đại dịch phát hiện năm 2009.
PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng – nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, dấu hiệu trẻ bị cảm cúm thường là ho, sốt nhẹ, chảy mũi, nghẹt mũi, khàn tiếng. Triệu chứng sẽ lui sau vài ngày. Nếu trẻ sốt cao chỉ cần cho hạ sốt, nhỏ thuốc mũi, sát trùng đường mũi họng bằng nước muối loãng. Tuy nhiên, một số trường hợp bệnh nhân có sức đề kháng kém bị bội nhiễm viêm đường hô hấp dưới gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi, đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 3 tuổi. Nếu không được xử trí kịp thời có thể gây suy thở, sốt cao, co giật hoặc nhiễm trùng máu, thậm chí gây tử vong. Do đó, khi trẻ bệnh, cha mẹ cần chú ý theo dõi dấu hiệu bệnh trở nặng (thở nhanh, co rút lõm ngực, cánh mũi phập phồng…) để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời. Tuyệt đối không tự ý cho trẻ dùng kháng sinh hoặc điều trị theo mách nước của những người không có chuyên môn.
Nhiều dịch cúm đe doạ
PGS-TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thời điểm cuối đông đầu xuân với thời tiết lạnh và ẩm rất thuận lợi cho vi rút cúmphát triển, nhất là cúm A và cúm B.
Ngoài ra, vi rút cúm tồn tại trong nước bọt, nước mắt, nước mũi nên rất dễ lây lan sang người khác khi ho, hắt hơi, cười nói. Tay người bị cúm cũng có thể dính dịch hô hấp có vi rút, sau đó lại chuyền “bôi” qua các vật dụng khác như nắm cửa, đồ dùng cá nhân, người khác chạm phải cũng có thể lây nhiễm cúm. Vi rút có thể tồn tại từ 2-8 ngày trên các bề mặt dính vi rút. “Một người nhiễm cúm sẽ phát tán mầm bệnh ngay sau khi phát bệnh, cho đến lúc khỏi là 5-7 ngày. Như vậy, thời gian phát tán bệnh khá lâu, khả năng nhiễm chéo sang người khác là rất lớn”, TS Phu cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư), 95% người bị cúm có thể tự khỏi. Tuy nhiên 5% người bệnh có thể có các biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong vì cúm. Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư thường xuyên tiếp nhận các ca cúm A/H1N1 nặng, suy hô hấp, tổn thương hai bên phổi, phải thở máy. Không ít ca bệnh quá nặng đã tử vong hoặc gia đình xin về. “Thông thường mọi người đều cho rằng cảm cúm là chuyện vặt, tự điều trị hoặc không cần điều trị, chỉ cần chịu đựng sự khó chịu vài ngày là khỏi, vì thế bỏ qua các triệu chứng như mệt mỏi, khó thở. Đến khi suy hô hấp mới đi viện thì việc cấp cứu rất khó khăn”, bác sĩ Cấp cho biết.
TS Phu cũng cho biết, mỗi năm trên thế giới có hàng trăm triệu người nhiễm cúm và khoảng 250.000-500.000 người tử vong do cúm. Tổn thất về mặt kinh tế là không đếm được, tuy nhiên đến nay thế giới cũng “bó tay”, chưa có thuốc đặc trị. “Người già, trẻ em, người bị bệnh mãn tính, suy giảm miễn dịch dễ mắc cúm, đồng thời cũng dễ mắc các bội nhiễm như viêm phổi nặng hoặc suy đa phủ tạng, gây tử vong. Hiện đã có vắc xin phòng cúm, ngừa được 95-97% nguy cơ mắc cúm. Do đó, người dân nên đi tiêm phòng cúm để có thể ngừa bệnh” – TS Phu nhận định.