Giảm tải, tăng chất lượng điều trị
Theo bà Tiến, ngay từ 8/2011 khi nhận nhiệm vụ Bộ trưởng Bộ Y tế, bà đã ưu tiên số 1 cho chiến lược để giảm tải. Bởi hình ảnh một giường bệnh ghép 3 - 4 bệnh nhân vẫn còn nguyên trong đầu bà khi thăm một số bệnh viện như ung bướu, BV Chợ Rẫy... Bệnh nhân đau, chỗ nằm điều trị cũng không có phải ghép vài người một giường rất khổ sở.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Ảnh: H.Hải
Bản chất của tình trạng quá tải là do người bệnh đổ xô lên các BV tuyến trung ương điều trị. Vì thế, ngành y tế một mặt tăng giường bệnh ở tuyến quá tải, một mặt hướng tới tăng chất lượng điều trị ở tuyến cơ sở. Để làm được điều này, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng ban hành Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020 và được phê duyệt vào tháng 1/2013.
Ngay lập tức, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để giảm tải. Theo đó, một loạt các bệnh viện từ tuyến trung ương đến huyện được đầu tư, xây mới, nâng cấp sửa chữa khang trang và thêm số giường bệnh. Số giường bệnh trên 1 vạn dân tăng từ 24,7 lên 31,4.
Đặc biệt tại tuyến Trung ương, một số BV được xây thêm tòa nhà mới, xây dựng cơ sở hai... đã tăng số giường bệnh lên rất nhiều. Nhờ vậy, tình trạng quá tải BV được cải thiện rõ rệt. Một số bệnh viện trước kia nằm ghép như BV Nhi Trung ương, K Trung ương, BV Nội tiết... thì nay các BV này đã giảm tải, ký cam kết không để bệnh nhân nằm ghép, thậm chí được nằm phòng riêng tiện nghi đầy đủ. Tình trạng nằm ghép đã kiểm soát 50% số bệnh viện trên toàn quốc.
“Giảm tải, người dân đến cơ sở y tế rộng rãi khang trang sạch sẽ, được điều trị tốt. Tôi tâm đắc nhất khi nhìn thấy sự đổi mới ấy, thấy bệnh nhân không còn nằm ghép 3 - 4 người một giường, phòng bệnh khang trang, ghế ngồi chờ sạch sẽ như ở sân bay”, bà Tiến chia sẻ.
Bà Tiến cho biết thêm, sắp tới trong thiết kế khoa khám bệnh phải có phòng máy lạnh, ghế ngồi, xem ti vi, đọc báo, trẻ con có chỗ chơi mới được duyệt.
Tuy nhiên, bà Tiến cũng cho rằng con đường giảm tải còn lắm gian nan bởi nhiều bệnh viện cơ sở vật chất còn khó khăn nên vẫn chưa thể tránh khỏi cảnh nằm ghép như bệnh viện Ung Bướu, Nhi đồng 1, 2, Chợ Rẫy của TP HCM và Bạch Mai của Hà Nội. Những nơi này, lượng bệnh nhân đổ về quá lớn không tránh khỏi tình trạng xếp hàng chờ đợi.
“Mới đây BV Bạch Mai khánh thành toà nhà mới 19 tầng, quy mô 500 giường bệnh sẽ “hạ hỏa” được tình trạng quá tải vốn căng thẳng tại BV Bạch Mai. Sắp tới, cơ sở 2 của BV này xây dựng xong tại Hà Nam, tình trạng quá tải chắc chắn cải thiện. Các BV khác vẫn đang tiếp tục nỗ lực để giảm tải, tiến tới 1 người/1 giường bệnh”, bà Tiến nói.
Bên cạnh việc tăng số giường bệnh, tăng chất lượng điều trị tuyến cơ sở là biện pháp quan trọng hàng đầu để giảm tải. Bà Tiến lý giải, khi tuyến tỉnh điều trị được nhiều bệnh khó như tuyến trung ương, người dân không tội gì lại lên tận trung ương xa xôi để chữa bệnh.
Nhờ đề án bệnh viện vệ tinh, đề án 1816, hàng nghìn kỹ thuật đã được chuyển giao cho tuyến tỉnh, đặc biệt trong 5 chuyên khoa quá tải trầm trọng là ung thư, tim mạch, chấn thương chỉnh hình, sản và nhi. “Các cấp cứu nhi, chấn thương, sản khoa, tim mạch trước phải chuyển tuyến Trung ương, nay BV tỉnh làm rất tốt. BV miền núi như Bắc Giang đã mổ được tim, Đà Lạt can thiệp được tim mạch. Hay BV Ninh Thuận khó khăn thế mà giờ chấn thương sọ não các bác sĩ can thiệp tốt. BV Nghệ An thậm chí ghép thận, Quảng Ninh làm thụ tinh ống nghiệm thành công. Đây là một sự nỗ lực lớn chuyển giao công nghệ từ BV tuyến cuối, là sự vươn lên của BV tuyến tỉnh và người bệnh sẽ được hưởng lợi, được cấp cứu, điều trị kịp thời ngay tại địa phương. Tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên giảm 37%. Giảm tỷ lệ chuyển viện cũng sẽ giảm tỉ lệ tử vong chuyển viện”, bà Tiến nói.
Từ ban ơn phải chuyển thành phục vụ cho tốt!
Theo nữ Bộ trưởng, việc thay đổi thái độ, phong cách phục vụ là nhiệm vụ sống còn của ngành y tế. Bởi nếu không thay đổi, không có bệnh nhân thì bác sĩ không để làm gì, có bệnh viện sẽ phải “ngồi chơi” vì không có bệnh nhân. Vì thế, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”.
Theo đó, để đổi mới toàn diện về phong cách, thái độ phục vụ người bệnh, cán bộ y tế phải thay đổi nhận thức, quan điểm coi người bệnh là trung tâm; người bệnh là khách hàng và cơ sở y tế là đơn vị cung cấp dịch vụ cho khách hàng, phải cung cấp dịch vụ tốt nhất.
“Rõ ràng người dân đến BV để chữa bệnh, họ trả phí cho việc chữa bệnh (trả tiền mặt hoặc thẻ BHYT) chứ không phải họ đến để xin chữa bệnh. Vì thế, người thầy thuốc phải thay đổi quan niệm trong tư duy suy nghĩ rồi đến hành động, từ “ban ơn” chữa bệnh đến phục vụ tốt, coi người bệnh là trung tâm”, bà Tiến nói.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, khoa Nhi (BV Bạch Mai) thăm khám cho một bệnh nhân. Ảnh: H.Hải
Các bệnh viện cũng cần nhận thức, y tế cũng là một ngành cung cấp dịch vụ, đó là dịch vụ khám chữa bệnh. Vì thế, cũng phải như các đơn vị dịch vụ khác như ngân hàng, bảo hiểm... các bệnh viện cũng cần thành lập đơn vị chăm sóc khách hàng tại bệnh viện, chăm sóc khách hàng chính là những bệnh nhân của mình.
Cũng theo Bộ trưởng, sự thay đổi này không dừng lại ở việc hô hào, cam kết mà là sự quyết tâm của các bệnh viện, có giám sát của đường dây nóng. Thời gian qua, các bệnh viện đã có nhiều giải pháp tạo nên sự chuyển biến. Nhiều người dân cũng cảm nhận được sự chuyển biến trong toàn ngành y tế, số đơn thư khen ngợi, cảm ơn cán bộ y tế đã tăng lên 2 lần qua thông tin từ đường dây nóng. Ngành y tế cũng xử lý hơn 2.000 cán bộ y tế từ thông tin phản ánh đường dây nóng.
Hồng Hải