Bằng sự khiêm tốn, ham học hỏi và luôn trách nhiệm với công việc, nhiều năm nay, anh là niềm hi vọng của hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn.
Bác sĩ trẻ Nguyễn Việt Quang
Từ xấu hổ và ngượng ngùng...
Sinh năm 1986 trong gia đình có truyền thống làm nghề y, ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Việt Quang đã quá quen với cảnh đi sớm về khuya cùng những vất vả, nhọc nhằn trong nghề của bố mẹ. Tuy nhiên, cũng chính từ đó, tình yêu với nghề chữa bệnh cứu người lớn dần để trở thành sự gắn bó, đam mê trong anh.
Không phủ nhận sức ảnh hưởng từ gia đình khi cả bố và mẹ anh đều là những bác sĩ đầu ngành, anh Quang cho rằng áp lực đó chính là động lực thôi thúc anh phải nỗ lực nhiều hơn nữa để khẳng định bản thân.
Anh Quang chia sẻ: "Từ những ngày còn học phổ thông ở trường Việt - Đức, bố mẹ cũng định hướng tôi chọn nghề y theo truyền thống của gia đình, tuy nhiên không hề có sự ép buộc. Bố tôi là người nghiêm khắc với con cái và ông luôn căn dặn, động viên tôi hãy cố gắng dựa trên năng lực của bản thân, bởi nắm giữ sinh mệnh của người khác trong tay, nghề y đòi hỏi cái tâm và cái tài của người thầy thuốc..."
"Vì thế, tôi cũng nếm đủ chật vật, vất vả với nghề chứ không... đơn giản đâu", anh cười. Nhớ lại những ngày còn theo học chuyên ngành bác sĩ đa khoa tại Học viện Quân y, Quang kể: "Là nam thanh niên nên cũng như nhiều bạn cùng lớp khác, Sản khoa là chuyên ngành tôi thấy... sợ nhất. Học đến môn đó là thấy lúng túng, ngượng ngùng, thậm chí chưa bao giờ có ý nghĩ sẽ đi theo chuyên ngành về sản".
Tuy nhiên, "người chọn nghề không bằng nghề chọn người", sau chuyến đi thực tập tại Hòa Bình, Quang thay đổi hẳn suy nghĩ. "Đó là năm thứ 4 đại học, tôi đi thực tập tại Hòa Bình. Lúc ấy là khoảng 2 giờ sáng, trạm xá tiếp nhận một sản phụ người dân tộc thiểu số đang chuyển dạ trong khi bác sĩ trưởng trạm đã nghỉ.
Không còn cách nào khác, tôi chuẩn bị dụng cụ, đỡ đẻ, cắt rốn cho cháu bé như một bác sĩ thực thụ. Cảm giác khi ấy khó tả lắm! Nhìn thấy một sinh linh nhỏ bé cất tiếng khóc chào đời và niềm hạnh phúc của người nhà sản phụ, tôi thấy tim mình như chậm lại vài nhịp. Cũng từ đó, tôi dành thời gian tìm hiểu nhiều hơn về sản khoa. Cảm giác xấu hổ và ngại ngùng gần như tan biến...", bác sĩ Quang chia sẻ.
... đến tình yêu và trách nhiệm
Tốt nghiệp đại học, về công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương năm 2009, bên cạnh vai trò là bác sĩ sản phụ khoa, anh Quang dành nhiều thời gian tìm hiểu về vô sinh và hiếm muộn. Anh tâm sự: "Hàng ngày tiếp xúc với hàng chục lượt bệnh nhân, tôi nhận thấy tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn của các cặp vợ chồng càng ngày càng gia tăng, đặc biệt độ tuổi ngày càng trẻ hóa. Có một mầm sống là niềm mơ ước và hạnh phúc của biết bao gia đình nhỏ. Vì vậy, tôi quyết tâm theo đuổi kĩ thuật thụ tinh trong ống nghiệm".
Mất nhiều năm theo học, tham dự các khóa học lớn nhỏ ở các quốc gia đầu ngành về vô sinh, hiếm muộn trên thế giới, anh đã thực hiện kĩ thuật thụ tinh thành công cho hàng ngàn cặp vợ chồng hiếm muộn, vô sinh.
Tâm huyết với nghề và luôn nỗ lực trau dồi kiến thức, đó là điều không khó để nhận ra khi nghe chàng bác sĩ trẻ tuổi say sưa chia sẻ về nghề và những nỗi niềm trăn trở. Tham dự nhiều nghiên cứu, hội thảo về kĩ thuật thụ tinh ống nghiệm, anh Quang cho rằng, ở Việt Nam, vô sinh, hiếm muộn đôi khi không còn là chuyện riêng của các cặp vợ chồng mà là vấn đề của cả gia đình, dòng tộc nên không ít cặp vợ chồng khổ sở khi không may mắc bệnh.
"Tôi đã từng tư vấn cho một người phụ nữ khao khát có con đến độ chị ấy phải giấu chồng đi thụ tinh nhân tạo vì người chồng không tin, không dám thừa nhận vô sinh là do mình. Có nhiều cặp vợ chồng có hoàn cảnh khó khăn đến mức, lớn tuổi rồi họ mới để dành dụm được một số tiền để đi thụ tinh. Gặp những hoàn cảnh khó khăn ấy, chúng tôi bằng mọi cách cố gắng tạo điều kiện cho họ giảm thiểu đến tối đa những chi phí không cần thiết", anh chia sẻ.
Bác sĩ Quang cũng cho biết, hiện tại, mỗi năm, Trung tâm Sàn chậu tiếp nhận và thực hiện thụ tinh ống nghiệm cho khoảng 3500 lượt cặp vợ chồng với tỉ lệ thành công từ 45 - 50%. Trong đó, cặp vợ chồng lớn tuổi nhất anh đã thực hiện thụ tinh thành công là cặp vợ chồng người vợ đã bước vào tuổi 49. Ám ảnh anh nhất có lẽ là hình ảnh một cặp vợ chồng khi thực hiện kĩ thuật thụ tinh và sinh con thành công, chị vợ mới xấp xỉ 20 tuổi.
"Tỉ lệ vô sinh, hiếm muộn có thể gặp ở bất cứ đối tượng nào, xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vì vậy, tìm hiểu nguyên nhân để đưa ra phác đồ điều trị là việc làm vô cùng cần thiết. Chính vì vậy, việc điều trị cần những thao tác và kĩ thuật đặc biệt tỉ mỉ và cẩn trọng".
Không chỉ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, bác sĩ Nguyễn Việt Quang cũng dành nhiều thời gian cho hoạt động khám chữa bệnh tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng. Anh hiện giữ vị trí Phó Giám đốc Trung tâm Sàn chậu, thuộc Trung tâm Hỗ trợ Sinh sản Quốc gia.
Luôn bị cuốn đi theo những chuyến công tác dài ngày, triền miên với các buổi hội thảo và hoạt động xã hội nhưng tổ ấm nhỏ của anh vẫn luôn đầy ắp tiếng cười. Bên anh luôn có sự đồng hành, chia sẻ của người vợ trẻ đồng thời là bạn học, đồng nghiệp của chồng. Chuẩn bị bước sang tuổi 30, bác sĩ trẻ đã là cha của hai cô công chúa nhỏ.
Hạnh phúc với gia đình riêng của mình, với tiếng cười của trẻ thơ, anh lại càng thấu hiểu hơn nỗi lòng của những bậc làm cha, làm mẹ và khao khát của những người chồng, người vợ không may mắn chưa có được một "giọt máu" của riêng mình, chưa được trải qua tình mẫu tử, phụ tử thiêng liêng.
"So với việc chữa lành chân, tay, cứu sống một mạng người, việc đem đến cho những cặp vợ chồng hiếm muộn một sinh linh mới, với tôi là niềm hạnh phúc không gì so sánh được. Có những lúc, gặp phải ca khó, tôi đã trải qua những ngày hồi hộp đến mất ăn, mất ngủ theo dõi diễn biến của phôi thai và niềm hạnh phúc vỡ òa cho đến khi sản phụ sinh nở thành công", bác sĩ Quang chia sẻ.
Theo Ngọc Minh
Tuổi trẻ thủ đô